Branding là chuỗi hành động đến từ cá nhân hoặc đội ngũ xây dựng thương hiệu để giúp khách hàng có đủ nhận thức về hình ảnh, vai trò và giá trị của thương hiệu đó.
Branding là một khái niệm vô cùng ngắn gọn nhưng lại rất có chiều sâu khi đi vào tìm hiểu và phân tích. Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao một thương hiệu đủ sức biến những người mua hàng lần đầu trở thành khách hàng trung thành, hay vì sao họ thuyết phục được những người vốn rất thờ ơ trở thành những “phát ngôn viên” tích cực của thương hiệu. Trả lời được hai câu hỏi trên và đi tìm đáp án cuối cùng cho chúng, đó cũng là lúc mà chúng ta thật sự hiểu đúng và hiểu đủ về khái niệm Branding.
Sai lầm trong định nghĩa Branding
Vũ không ngạc nhiên khi phần lớn khách hàng là quý doanh nghiệp chưa trả lời được câu hỏi Branding là gì?. Nhưng Vũ lại rất bất ngờ khi thấy khái niệm này được sử dụng không đúng lúc đúng chỗ, cụ thể hơn là bị lạm dụng và đánh mất đi những ý nghĩa đúng đắn vốn có. Đáng tiếc hơn cả khi người lạm dụng khái niệm Branding lại chính là những đội ngũ và nhà cung cấp dịch vụ xây dựng thương hiệu, chịu trách nhiệm hầu hết hoặc toàn bộ thành bại của chiến lược phát triển cho nhiều mô hình kinh doanh khác nhau.
Có hơn bốn trăm nghìn kết quả xuất hiện chỉ trong vòng chưa đến 0,5 giây, khi chúng ta thao tác tìm kiếm cụm từ “branding là gì” ở trên Google. Phần lớn trong số đó đều chỉ ra một hướng định nghĩa rằng, branding là một quá trình hoặc đường lối xây dựng chiến lược thương hiệu, giúp thương hiệu sớm tiếp cận và đẩy nhanh tốc độ thuyết phục hành vi khách hàng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Nhưng nếu đúng là như thế thì tại sao chúng ta lại thường hay sử dụng cụm từ “làm branding” trong giao tiếp thương hiệu thường ngày? Phải chăng Branding chỉ đơn giản là làm chiến lược và sử dụng năng lực truyền thông thương hiệu để thay đổi nhận thức, cải thiện hành vi qua đó gia tăng sức mua của sản phẩm hoặc chọn sử dụng dịch vụ theo chiều hướng tích cực? Câu trả lời tất nhiên là không.
Bài viết liên quan
Chiến lược thương hiệu là gì? Mô hình 5T ưu tiên tính hiệu quả mà mọi doanh nghiệp đều hướng đến
Khái niệm branding đến từ đâu
Branding bắt nguồn từ chữ “brandr” trong ngôn ngữ Bắc Âu, giai đoạn cách mạng nông nghiệp của loài người, với ý nghĩa là “đốt cháy lên”. Họ đốt cỏ, rơm với mục đích khôi phục dinh dưỡng cho vụ mùa kế tiếp, đây được xem là một cách thức thể hiện quyền sở hữu sơ khai, thông báo tài sản của con người với nhau.
Có thể xem ngọn lửa ở thời này giống như tiền thân của logo thương hiệu trong thời hiện đại, nhưng branding không chỉ là nhìn vào thiết kế logo mà phía sau đó là cả một chặng đường khai phá loạt cảm nhận tốt đẹp về thương hiệu – đến từ người tiêu dùng cuối hoặc nhóm đối tượng tiềm năng mà doanh nghiệp hướng đến.
Nếu như “brand” là một tập hợp các nhận thức tích cực của người tiêu dùng dành cho thương hiệu, thì “branding” sẽ là những hành động cụ thể để thu về những nhận thức đó. Vì thế, “brand” là một danh từ trong khi “branding” sẽ là một động từ hoàn toàn có nghĩa. Thiết kế một logo thương hiệu cũng là làm branding, xây dựng tính cách và giọng nói thương hiệu cũng là làm branding, thậm chí xây dựng văn hoá ứng xử của đội ngũ nhân lực công ty cũng là một phần của branding thương hiệu.
Bài viết liên quan
Hướng dẫn xây dựng thương hiệu từ con số 0, ai cũng có thể thực hiện
Branding đóng góp được gì cho thành công thương hiệu?
Nhiều ý kiến cho rằng branding chỉ thật sự quan trọng với các doanh nghiệp hoặc thương hiệu lớn, đang hoạt động trong một lĩnh vực đầy cạnh tranh và thách thức khả năng liên tục chuyển mình của mô hình kinh doanh đó. Tuy nhiên khi nhìn vào vai trò và tầm quan trọng của branding qua những gạch đầu dòng bên dưới, ta sẽ thấy ngay mức độ bao quát và khả năng đóng góp vào thành công thương hiệu của khái niệm branding là vô cùng rộng lớn.
Xây dựng nhận biết thương hiệu
Có hai khái niệm thường dễ bị nhầm lẫn với nhau là nhận thức thương hiệu và nhận biết thương hiệu. Nhận thức thương hiệu chính là kết quả của nhận biết thương hiệu, thông qua xây dựng hình ảnh và tiếng nói của thương hiệu trên thị trường. Sau đó nhận biết thương hiệu đóng vai trò như một mối dây liên kết về cảm xúc lẫn lý trí của thương hiệu với khách hàng, tạo ra thói quen mua sắm thường xuyên hay xa hơn là biến họ trở thành khách hàng trung thành của thương hiệu.
Xây dựng nhận biết thương hiệu thường dựa trên những giá trị bằng hình ảnh, giọng văn hay tiếng nói, sao cho người tiêu dùng hoàn toàn bị thuyết phục và dành nhiều thiện cảm cho thương hiệu ngay từ những ấn tượng ban đầu. Nhận biết thương hiệu còn có mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược thương hiệu khi đây là cơ sở để đảm bảo rằng chiến lược thương hiệu vẫn đang đi đúng hướng, từ đó tăng tốc độ đạt nhận thức thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.
Branding như đã nói ở đầu bài, là một chuỗi các hành động giúp khách hàng có đủ nhận thức về hình ảnh, vai trò và giá trị của thương hiệu đó. Vì vậy xây dựng nhận biết thương hiệu chính là một trong những kết quả tích cực nhất mà branding đã và đang mang đến.
Tối ưu hiệu quả của quảng cáo truyền miệng
Nếu nhà bác học người Hy Lạp Archimedes được sinh ra trong thời đại này, thì câu nói để đời của ông sẽ không phải là “Hãy cho tôi một điểm tựa và rồi tôi sẽ nhấc bổng cả Trái Đất này lên”, mà đó phải là “Hãy tạo ra hiệu ứng quảng cáo truyền miệng và rồi chúng ta sẽ mang thương hiệu của bạn đi khắp thế giới.”
Bởi quảng cáo truyền miệng cũng đóng vai trò của một điểm tựa hay một chiếc đòn bẩy, là phương pháp marketing 0 đồng hoàn hảo để tăng tốc độ nhận thức thương hiệu một cách chóng mặt. Branding chính là để cải thiện nhận thức của khách hàng sẵn có, xây dựng nhận thức tích cực nơi khách hàng tiềm năng và tạo ra thói quen lan truyền những câu chuyện tốt đẹp về thương hiệu.
Xây dựng được lòng tin thương hiệu không chỉ là để giữ chân khách hàng, mà còn giúp hình thành sự tin tưởng đến mức khách hàng luôn muốn kể cho mọi người xung quanh nghe về thương hiệu của bạn – bằng những ngôn từ tuyệt vời nhất. Khi đó, branding giúp khách hàng trung thành có thêm dữ liệu để thay doanh nghiệp kể tiếp những câu chuyện tuyệt vời về thương hiệu.
Kết nối cảm xúc để chinh phục khách hàng tiềm năng
Khách hàng tiềm năng là những người sẵn có nhu cầu với sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp, nhưng chưa chắc họ sẽ chọn tin tưởng vào thương hiệu của bạn mà không có chút đắn đo.
Branding chính là cơ sở để đảm bảo rằng khách hàng tiềm năng sẽ trở thành khách hàng thật sự dù mức độ cạnh tranh thị trường là vô cùng to lớn, sau đó tiếp tục duy trì kết nối để biến khách hàng thật sự trở thành những người hâm mộ đích thực của thương hiệu đó. Kết nối cảm xúc thông qua branding có muôn vạn giải pháp khác nhau, từ việc nghiên cứu hiệu ứng thị giác hay tâm lý màu sắc trên bản thiết kế logo, cho đến hình thành văn hoá ứng xử với khách hàng dành cho đội ngũ nhân lực của thương hiệu và doanh nghiệp.
Từng hạng mục nhỏ nhất trong quá trình xây dựng thương hiệu đều có khả năng kết nối cảm xúc với khách hàng, có nhận thức về thương hiệu sẽ dẫn đến hình thành hành vi của khách hàng, tạo chiều sâu cảm xúc khi sở hữu hay trải nghiệm sản phẩm để đi đến kết quả cuối cùng là lòng trung thành thương hiệu.
Branding cũng cần có quy tắc
Sản phẩm dù có chất lượng tốt đến mấy thì cũng có vòng đời giới hạn, nhưng một thương hiệu được xây dựng bài bản và chuyên nghiệp thì sẽ tồn tại mãi mãi theo thời gian. Nền tảng của sự chuyên nghiệp trong branding chính là việc tuân thủ các nguyên tắc, mà phần lớn chúng sẽ xuất hiện trong Brand Guidelines của thương hiệu đó.
Lấy ví dụ cụ thể về phương thức tiếp cận và quảng bá thông tin sản phẩm hay dịch vụ đến nhóm khách hàng tiềm năng. Những người này thường xuyên theo dõi tin tức qua truyền hình, sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống, hay có xu hướng cập nhật liên tục những tin tức mới nhất thông qua mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác.
Nên nhớ rằng quy tắc chỉ có hai vế được sử dụng, được ứng dụng hoặc không được sử dụng, không được ứng dụng chứ không nên quá tham lam trong xây dựng hình ảnh và tiếng nói thương hiệu – dẫn đến nhiễu loãng thông tin và tạo ấn tượng không mấy tích cực trong mắt người tiêu dùng. Kết hợp thêm với phân tích và nghiên cứu thị trường, thương hiệu sẽ có góc nhìn trực quan nhất để chọn đầu tư vào số ít kênh thông tin chủ lực, thay vì đầu tư dàn trải nhưng chỉ để thu về hiệu ứng nhỏ giọt.
Bạn có đang tự mình branding mà không hề hay biết?
Nói đến khái niệm branding nhiều người sẽ ngay lập tức nghĩ đến một quy trình xây dựng thương hiệu bài bản và quy củ, hay những thương hiệu danh tiếng lừng lẫy trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên trên thực tế, mục tiêu tối thượng của branding vẫn là hình thành nhận thức và bất cứ một nhận thức nào đến từ phía những người xung quanh, dành cho hình ảnh thương hiệu hay thậm chí là hình ảnh cá nhân của mỗi người cũng đều là branding. Một tiệm tạp hoá cũng có thể làm branding và xây dựng hình ảnh thương hiệu bằng cách không bao giờ thối lại tiền rách cho người mua hàng, một giáo viên tiểu học cũng có thể làm branding và xây dựng hình ảnh cá nhân bằng cách luôn đến trường vào lớp đúng giờ.
Phần lớn mỗi người trong số chúng ta đều đang tự branding mà không hề hay biết, hoặc đã và đang branding tương đối khoa học nhưng lại hiểu sai sang một định nghĩa hoàn toàn mới. Chủ yếu những ai chưa có nhiều kiến thức về xây dựng thương hiệu đều sẽ nghĩ rằng, những hoạt động xây dựng hình ảnh hay tạo lên tiếng nói cá nhân nghĩa là đang marketing cho bản thân. Tuy nhiên marketing và branding lại là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt.
Trong khi marketing chỉ đóng góp vào quá trình chuyển đổi khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thật sự, thì branding lại tạo ra một nền tảng bền vững hơn cho tương lai thương hiệu, kết nối khách hàng bằng cả lý trí lẫn cảm xúc, xây dựng lòng trung thành để như đã nói – marketing 0 đồng cho thương hiệu bằng việc tạo ra thói quen quảng bá truyền miệng.
Tạm kết
Vẫn trên tinh thần không phủ nhận cách định nghĩa khác biệt của bất cứ cá nhân hay đội ngũ nào khác, mục đích cuối cùng của Vũ thông qua bài viết này vẫn là làm mới những khái niệm đã cũ và không còn phù hợp với thực tế thị trường hiện đại, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thương hiệu trong việc định hình năng lực, văn hoá và giá trị cốt lõi của mình.